Chỉ số PMI tháng 10 cho thấy sự cải thiện của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã cải thiện hai tháng liên tiếp. Đặc biệt, việc làm ghi nhận tăng trở lại sau 8 tháng.
Ngày 2/11, IHS Markit công bố thông tin về chỉ số PMI của Việt Nam. PMI là Chỉ số nhà quản trị mua hàng, là chỉ số đo lường sức khỏe kinh tế của ngành sản xuất.
Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng mạnh
Theo báo cáo, lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam tiếp tục phục hồi trong tháng đầu của quí 4. Khi dịch bệnh COVID-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát ở trong nước, các công ty ghi nhận mức tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng.
Cụ thể, chỉ số PMI của Việt Nam đạt 51,8 trong tháng 10, giảm nhẹ từ mức 52,2 của tháng 9 nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã cải thiện hai tháng liên tiếp.
Cải thiện điều kiện hoạt động được ghi nhận trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian. Trong khi đó, các công ty hàng hóa đầu tư cơ bản ghi nhận suy giảm khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tiếp tục giảm.
Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy thành công trong việc kiểm soát sự bùng nổ của COVID-19 ở Việt Nam đã giúp nhu cầu khách hàng phục hồi. Kết quả là, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp, từ đó sản lượng tăng theo ở mức độ tương ứng.
Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới không thay đổi vì nhu cầu ở các thị trường mà virus tiếp tục hoành hành, điển hình là châu Âu, còn yếu kém.
Việc làm tăng lần đầu tiên trong 9 tháng
Báo cáo chỉ ra rằng, yêu cầu sản xuất cao hơn đã khuyến khích các nhà sản xuất tuyển thêm nhân viên trong tháng 10.
Việc làm tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1, mặc dù tốc độ tăng chỉ là nhẹ khi công suất vẫn có dấu hiệu dư thừa. Lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm.
Yêu cầu về sản lượng cao hơn cũng làm cho hoạt động mua hàng tăng tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù tồn kho hàng mua đã giảm khi hàng hóa đầu vào được sử dụng để phục vụ tăng sản lượng. Tồn kho thành phẩm cũng giảm vào đầu tháng 10.
Chi phí tăng ở mức cao kể từ tháng 8/2018 trong bối cảnh khan hiếm nguyên vật liệu
Đại dịch COVID-19 tiếp tục gây khó khăn cho chuỗi cung ứng trong tháng 10. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài thành mức cao hơn tháng 9.
Cùng với những ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và điều kiện thời tiết bất lợi được cho là góp phần làm chậm giao hàng.
IHS Markit kết luận, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đã làm gia tăng chi phí cho nhà sản xuất khi giá cả đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2018.
Đồng thời, việc chuyển gánh nặng chi phí sang cho khách hàng đã làm giá bán hàng tăng tháng thứ hai liên tiếp nhưng mức tăng chỉ là nhẹ và chỉ thay đổi một chút so với tháng trước. Khách hàng yêu cầu giảm giá và áp lực cạnh tranh đã hạn chế khả năng tăng giá bán của các công ty.
Theo IHS Markit, các công ty nói chung tự tin rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới với tâm lí lạc quan là virus sẽ vẫn được kiểm soát.
Trong đó, một số người trả lời khảo sát của IHS Markit dự đoán số lượng đơn đặt hàng mới tăng sẽ hỗ trợ tăng sản lượng. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy tâm lí kinh doanh đã giảm một nhẹ so với tháng trước và đang ở mức thấp hơn mức trung bình chỉ số.
>>>Tham khảo thêm chỉ số PMI của các lĩnh vực khác: https://vietnambiz.vn/chi-so-pmi.html
Nhận xét
Đăng nhận xét